Khi nói đến triết lý giáo dục thường người ta nghĩ đây là công việc của các nhà quản lý giáo dục ở tầm vĩ mô chứ không nghĩ đó là công việc của mỗi giáo viên đang trực tiếp giảng dạy trên lớp, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm. Thế tại sao triết lý giáo dục lại quan trọng với mỗi giáo viên?
Triết lý giảng dạy được coi như tấm bản đồ, chỉ ra hướng để tiến về phía trước. Người ta có thể cảm thấy bị lạc lối, mất phương hướng nếu không có bản đồ. Có thể một ngày nào đó, một thời điểm nào đó khi những áp lực của công việc giảng dạy kéo bạn đi. Bạn phải giảng dạy theo những cách mà nhà trường, phụ huynh yêu cầu hay những cách mà học sinh thích. Và như vậy, bạn đi xa dần so với con đường giảng dạy mà bạn lựa chọn ban đầu. Do đó, một bản đồ là điều cần thiết để bạn biết rằng bạn đang giảng dạy như thế nào và vì điều gì.
Bạn sẽ không thể mang đến cho học sinh học một điều gì đó cho đến khi bạn biết tại sao bạn phải giảng dạy nó và làm thế nào bạn có thể dạy tốt được nó. Một khi bạn biết con đường của mình, bạn cũng sẽ giúp học sinh lên kế hoạch để đến đích.
Giáo viên là người cố vấn trong quá trình học tập, đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy học sinh suy nghĩ độc lập. Tuy nhiên, để làm điều đó, bạn phải có một triết lý giảng dạy của riêng mình. Triết lí giảng dạy là cách tuyệt vời để giáo viên trình bày các kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm và niềm tin của bạn về công việc giảng dạy. Học sinh luôn coi giáo viên là “hình mẫu” và do đó, bạn cần phải có những “tư tưởng” riêng để truyền cảm hứng cho chúng.
Là giáo viên, mỗi chúng ta đều bị đặt vào một ma trận với chằng chịt những mối quan hệ phức tạp, những yêu cầu mong muốn. Học sinh muốn bạn dạy thật vui, thật nhẹ nhàng thoải mái và căn bản là được chơi nhiều. Phụ huynh lại muốn con họ đạt điểm thật cao. Nhà trường thì đòi hỏi thành tích của cả lớp, thành tích của học sinh giỏi. Con tim và khối óc của bạn thì lại muốn dạy theo một cách rất riêng. Trong một số trường hợp những kì vọng và mong muốn này trong nhiều trường hợp không thể song hành tồn tại cùng nhau. Đó là lúc bạn phải đưa ra quyết định và lựa chọn. Với vai trò là người lao động bạn muốn thỏa mãn sếp và khách hàng là phụ huynh. Với vai trò là “gấu mẹ vĩ đại” bạn muốn trẻ thật thoải mái và giữ được tuổi hồn nhiên, bạn sẽ kì vọng bản thân sẽ tạo được ra những giá trị cho con trẻ trong tương lai.Đó chính là triết lí giáo dục của bạn.
Triết lý giáo dục của tôi là:
- Mỗi em học sinh 9A2 mang theo một loại trí thông minh bước vào lớp của tôi, và nhiệm vụ quan trọng nhất của tôi là khám phá và tạo mọi điều kiện để chúng phát triển khả năng đặc biệt ấy của mình.
- Tôi là một giáo viên truyền cảm hứng và động lực cho học sinh của mình trở thành những người tốt và biết quan tâm đến mọi người.
- Học sinh lớp 9A2 sẽ học tập một cách hiệu quả nhất khi chúng ở trong một môi trường học tập tích cực, nơi mà chúng cảm thấy mình được chào đón, thoải mái và an toàn với bạn bè và giáo viên.
- Duy trì một lớp học thân thiện và tích cực để khiến trường học là nơi ngập tràn niềm vui.
- Học sinh lớp 9A2 có khả năng: quan sát, phân tích, đúc kết sau mỗi hoạt động trải nghiệm.
- Thất bại là một sự lựa chọn, lỗi lầm là một phần quý giá của quá trình học tập.
- Tôi thực hiện, bạn thực hiện, chúng ta cùng thực hiện.
- Giáo dục là vũ khí mạnh nhất bạn có thể dùng để thay đổi thế giới.
Giáo Viên Chủ nhiệm
Nguyễn Hữu Tài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét