Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2020

NHỮNG KHÓ KHĂN CỦA HỌC SINH KHI BƯỚC VÀO LỚP 6 VÀ BIỆN PHÁP GIÚP CÁC EM VƯỢT QUA NHỮNG TRỞ NGẠI NÀY

Đối với học sinh lớp 6, ngoài háo hức bước sang môi trường mới, đón thêm niềm vui. Phần lớn các em phải đối mặt những khó về vấn đề học tập, do sự khác biệt rất nhiều so với Tiểu học. Rất nhiều phụ huynh thắc mắc tại sao ở lớp dưới con là học sinh giỏi, nhưng khi mới bước vào lớp 6 đã nhận được phản ánh nhận thức chậm, học lực trung bình, không tập trung… Ngo May English Club xin chia sẻ những yếu tố ảnh hưởng đến việc tiếp thu của học sinh khi bước vào lớp 6. Từ đó, phụ huynh có thể định hướng cho con mình phương pháp học tốt nhất.
Thứ 1: Sang một môi trường mới hoàn toàn khác
Nếu như ở cấp Tiểu học cô giáo chủ nhiệm sẽ dạy gần hết các môn, các con được sư quan tâm nhiều từ Giáo viên chủ nhiệm (GVCN) như hướng dẫn làm bài, cách trình bầy bài,… rất tỉ mỉ. Nhưng khi lên lớp 6, GVCN chỉ dạy một môn, còn khoảng chục môn khác là các thầy cô bộ môn.
Học sinh phải tự thích nghi với các nội quy, phương pháp học của từng môn cụ thể. Thầy cô giảng bài và đưa ra các yêu cầu cụ thể, học sinh phải thực hiện sao cho phù hợp. Chính vì thế, chuyện các em mới lên lớp 6 có sự bỡ ngỡ về môi trường và phương pháp học cũng là điều dễ hiểu.
Thứ 2: Nội dung các môn học có độ khó hơn hẳn
Các môn Toán, Vật Lý, Tiếng Anh, Ngữ Văn có độ khó hơn nhiều so với Toán, KHTN, Anh, Tiếng Việt của cấp Tiểu học.
Thứ 3: Tâm sinh lý các em đã có sự thay đổi
Có thể các em học sinh lớp 6 ( đặc biệt Nữ ) bước vào giai đoạn tuổi dạy thì. Ở lứa tuổi này, các em muốn thể hiện cái tôi của mình nhiều hơn, có chính kiến riêng, hành vi, lối sống cũng sẽ thay đổi. Có em vẫn hoàn toàn nghe theo sự chỉ dạy của cha mẹ, thầy cô sẽ rất tốt. Tuy nhiên, không ít trường hợp muốn tự làm theo ý mình mà chưa chắc hiểu đúng vấn đề. Do vậy, cha mẹ cũng cần sát sao hơn, uốn nắm, điều chỉnh cần thiết
Để con không bỡ ngỡ khi chuyển cấp vào 6, phụ huynh cần lưu ý những điều này:
Để con không bị bỡ ngỡ khi mới chuyển cấp vào 6, đồng thời có thể thích nghi nhanh chóng với môi trường mới và học tập đạt hiệu quả thì cha mẹ cần chủ động chuẩn bị sớm cho con ngay từ hè này. Dưới đây là những điều cha mẹ cần lưu ý và áp dụng với con em mình sao cho phù hợp để đạt kết quả như mong muốn.
Luyện cho con tập viết nhanh
Thời gian đầu của lớp 6, phần lớn học sinh đều có những bỡ ngỡ bởi thay đổi từ việc học có phần chăm sóc sang cách học của sự tự giác. Để nhanh chóng vượt qua sự thay đổi này, học sinh cần lưu ý chủ động viết nhanh hơn so với lớp 5. Bởi ở những lớp học dưới, các em học chủ yếu với giáo viên chủ nhiệm còn lên lớp 6, mỗi giáo viên dạy một môn. Do vậy, đừng chờ thầy cô nhắc nhở chép bài mà khi thầy cô giảng thì chú ý nghe, khi thầy cô viết bảng thì tập trung viết vào vở. Kết thúc mỗi tiết học này sẽ chuyển sang tiết học khác, nếu không viết bài kịp sẽ ảnh hưởng đến quá trình học những tiết sau.
Vì vậy cha mẹ có con chuẩn bị lên lớp 6 hãy tận dụng thời gian nghỉ hè ngắn ngủi này để rèn cho con kỹ năng viết nhanh, rèn luyện nhiều sẽ giúp con tăng tốc độ viết cũng như dần làm quen để thích ứng với môi trường học tập mới ở năm học đầu cấp.
Hãy để con độc lập và có trách nhiệm với việc học
Từ Tiểu học lên THCS, môi trường học thay đổi, lúc này, học sinh cần có tính độc lập và có trách nhiệm nhiều hơn đối với việc học và sinh hoạt của mình. Nếu trước đây khi học cấp 1 chỉ có 2 bài kiểm tra trong một học kỳ thì lên cấp THCS sẽ có các bài kiểm tra kiểm tra miệng, 15 phút, kiểm tra một tiết. Bởi vậy phụ huynh hãy nhắc nhở và đồng hành cùng con trong giai đoạn đầu. Sự quan tâm của phụ huynh sẽ giúp học sinh tạo sự chủ động trong việc học bài, làm bài ở nhà, nhẹ nhàng bước qua các bài kiểm tra. Bước qua giai đoạn đồng hành trong thời gian đầu, cha mẹ hãy để con độc lập, tự chủ với việc học của mình vì điều này theo thời gian sẽ tạo cho con thói quen và có trách nhiệm với việc học của mình hơn. “Lên cấp 2 cách dạy của thầy cô sẽ khác so với cấp Tiểu học. Do vậy để học tập tốt và thích nghi nhanh thì các em cần phải thay đổi phương pháp học. Theo đó các em nên tự học và chủ động với việc học của mình là chính, còn thầy cô sẽ là người định hướng cho các em.”
Tăng thời gian tự học
Tăng thời gian tự học là điều cần thiết giúp học sinh tiến bộ hơn nhiều so với việc chỉ chú trọng tất cả thời gian cho việc đi học thêm bên ngoài. Thường xuyên hệ thống lại kiến thức vì nội dung quá nhiều khiến học sinh dễ quên kiến thức cũ. Thay vì trông chờ vào việc giáo viên đọc cho chép, học sinh cần chủ động trong việc tiếp nhận kiến thức. Việc học trên lớp không phải là tất cả mà phải tự tìm cho mình một phương pháp tự học ở nhà hiệu quả hoặc hỏi kinh nghiệm của các anh chị đi trước.

Không có nhận xét nào: