Thứ Tư, 13 tháng 11, 2019

TESTING

Kiểm tra và khảo thí ngôn ngữ (language testing and assessment) là một lĩnh vực chuyên môn sâu, liên quan chặt chẽ đến ngôn ngữ học và phương pháp giảng dạy. Tùy mục đích kiểm tra (purpose of testing), các bài thi trong tiếng Anh có thể tạm được chia thành các dạng sau: 1. “Proficiency test” (bài kiểm tra sự thông thạo): bài thi này kiểm tra năng lực ngôn ngữ chung (global competence) của một thí sinh. Không cần biết thí sinh học theo chương trình gì, giáo trình gì, phương pháp học thế nào v.v. miễn thí sinh đạt được mức điểm nhất định thì sẽ dựa vào đó mà quy ra năng lực ngôn ngữ. Người ta dựa vào những đặc điểm cốt lõi của ngôn ngữ và những yêu cầu thực tế từ học tập, công việc hoặc cuộc sống đối với ngôn ngữ đó mà xây dựng bài thi. Những bài thi tiếng Anh chuẩn hóa như IELTS™, TOEFL® iBT hay PTE Academic™ thường là dạng “proficiency test” mang tính quốc tế. 2. “Achievement test” (bài kiểm tra kiến thức học được): bài thi này thường là bài thi cuối khóa học hoặc cuối học kì. Bài thi kiểm tra xem học viên đạt được những mục tiêu học tập trong khóa học hay không, có đủ lượng từ vựng hay không, có nắm được ngữ pháp hay không, vận dụng kĩ năng đọc đến mức nào v.v. Dạng “achievement test” được xây dựng dựa vào chương trình học và phương pháp giảng dạy. 3. “Progress test” (bài kiểm tra sự tiến bộ): cũng có đặc điểm khá giống “achievement test” nhưng bài thi này thường được triển khai liên tục trong khóa học, kiểm tra xem học viên học hành thế nào, giáo viên dạy hiệu quả không, để từ đó mà điều chỉnh cho phù hợp. Tương tự, “progress test” được xây dựng dựa vào chương trình học và phương pháp giảng dạy. 4. “Diagnostic test” (bài kiểm tra xem mạnh yếu chỗ nào): Ở quy mô nhỏ hơn, ta có bài thi “diagnostic test” . Dùng bài kiểm tra này để đánh giá xem học viên có thế mạnh và điểm yếu gì, để từ đó mà có điều chỉnh giáo trình, chương trình, chỗ nào nên nhấn mạnh, chỗ nào có thể lướt qua. 5. “Placement test” (bài kiểm trình độ đầu để xếp lớp): thường dùng để xem năng lực hiện tại của học viên thế nào, từ đó mà chọn giáo trình, chương trình và cấp lớp phù hợp. Chất lượng của bài thi phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tôi cho rằng, nền tảng kiến thức về ngôn ngữ học, tâm lý giáo dục, và lý thuyết phương pháp giảng dạy là những yếu tố chính; và sự kết hợp, vận dụng những yếu tố này sẽ quyết định chất lượng của bài thi. Thực tế, người làm công tác khảo thí và người trực tiếp ra đề thi phải là dạng bậc thầy trong những lĩnh vực này. Ra đề thi là một công việc chuyên môn sâu, thậm chí, phải tách bạch nó với việc giảng dạy. Không có chuyên môn hóa thì khó có thể đạt chất lượng. Hiển nhiên, muốn kiểm tra và đánh giá người khác, chúng ta phải ở một trình độ rất cao. Thực tế chứng kiến có những đề thi rất chấp vá, lấy chỗ này một miếng, lấy chỗ kia một miếng ráp lại. Cho nên, những đề thi cuối kì tại các trường học nói chung, chất lượng rất “phiêu lưu” và rất “nội bộ”. Thực tế xã hội và nghề nghiệp cần cái khác, trường học lại kiểm tra những cái khác. Khách quan mà nói, nhiều khi việc chương trình học đã có nhiều vấn đề, giảng dạy lại có những vấn đề, và dựa vào đó để ra đề kiểm tra thì càng sinh ra những vấn đề. Chưa kể, năng lực ngôn ngữ và chuyên môn của đội ngũ cũng chưa được chuẩn hóa. Cho nên, nếu chúng ta không thể chọn được cái tốt nhất thì hãy chọn cái ít dỡ nhất. Đó là, riêng trong việc học thực hành tiếng (các kĩ năng nghe – nói – đọc – viết), sử dụng các bài thi chuẩn hóa quốc tế có bộ tiêu chuẩn ngôn ngữ đáng tin cậy làm định hướng và tiêu chí đánh giá việc giảng dạy và học tập là điều phải làm. Tôi gọi đó là “test-based teaching & learning” hay “teaching & learning the test”. Xây dựng chương trình giảng dạy trên nền tảng ngôn ngữ học thì việc phân tích và vận dụng những bài thi chuẩn hóa để phục vụ công tác khảo thí là con đường nhanh nhất để hướng đến tiêu chuẩn quốc tế. Trích Thầy La Thành Triết

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2019

ĐIỂM MÙ TƯ DUY & NHỮNG HỆ LỤY

Nếu bạn lái xe hơi thì bạn biết khi lái xe dù có ba kiếng chiếu hậu, hai bên ngoài và một bên trong nhưng có hai góc trái và phải phía sau của xe bạn không thể nào thấy được qua các kiếng đó và đó thường gọi là hai điểm mù. Phần nhiều tai nạn xe hơi liên quan đến hai điểm mù này. Lý trí giúp chúng ta nhận thức và đưa ra quyết định hành động trước những sự kiện xảy ra trong cuộc sống có những điểm mù mà tôi gọi là điểm mù tư duy. Chúng ta ai cũng có những điểm mù này ở những mức độ khác nhau. Bạn có bao giờ để ý là trong cuộc sống minh thường lập đi lập lại một số lầm lỗi khá giống nhau không? Thí dụ: Nếu bạn từ bỏ công việc nhiều lần vì lý do khá giống nhau. Bạn cãi vã với người yêu thì cũng thường trên vài vấn đề lập lại. Bạn nổi giận mất kiểm soát khi gặp những vấn đề khá giống nhau. Bạn thường bị gạt trong những trường hợp khá giống nhau. Những người yêu mà bạn chia tay thường cũng vì những lý do khá giống nhau. Bạn có thể thường rất hào hứng và tỏ vẻ quyết tâm với dự án mới trong cuộc sống nhưng lại thường không hoàn tất chúng vì những lý do khá giống nhau. Tại sao vậy? Trong tâm lý học hành vi thì tất cả những gì về con người của bạn (tính cách, hành vi, tư duy, …) có thể chia ra bốn góc với cái tên là Johari Window: 1) Những gì về con người của bạn mà bạn biết và những người xung quanh cũng biết (Góc mở hay phần nổi); 2) Những điều về bạn mà chỉ có bạn biết nhưng lại muốn che giấu không cho ai khác biết (Góc khuất); 3) Những điều về bạn mà những người chung quanh đều biết nhưng bạn thì lại không có ý thức gì về nó (Góc mù); 4) Những điều về bạn mà cả bạn và người xung quanh đều không biết (góc ẩn và đây cũng là góc tiềm năng mà bạn chưa khám phá). Trong cuộc sống bạn muốn hướng đến việc mở rộng góc mở và ngày càng làm nhỏ đi góc khuất, góc mù và góc ẩn. Lúc ấy bạn có thể sống thật với con người của mình và quan hệ với mọi người xung quanh được thân thiết hơn. Góc khuất là những cảm xúc, suy nghĩ, thiên vị, khao khát và kể cả những sự kiện xảy ra với bạn trong quá khứ mà bạn muốn dấu kín vì sợ nếu người ngoài biết có thể sẽ có những đánh giá không đúng về bạn hay sẽ chối bỏ bạn, v.v. Nếu góc khuất lớn sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng những mối quan hệ thân thiết trong cuộc sống. Tuy thế nó không nguy hại đến phát triển sự nghiệp bằng góc mù vì bạn ý thức được những gì trong góc khuất. Góc mù bao gồm những gì về bạn mà bạn không ý thức được trong khi ấy thì ai cũng thấy cả! Thế góc mù từ đâu ra? Theo tâm lý học thì tâm thức (mind) của con người có hai phần: ý thức và vô thức. Hai phần này như một tảng băng trôi trên đại Dương với phần ý thức là phần nổi nhỏ và phần vô thức lớn hơn nhiều là phần chìm. Điểm mù được hình thành từ những kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm kể cả cảm xúc của cá nhân khi đối diện với các vấn đề trong cuộc sống dần trở thành thói quen hay định kiến trong vô thức. Thí dụ: Mỗi sáng bạn lái xe đi làm và bạn có kinh nghiệm trong những tuyến đường (A, B, C, D,…) có thể đến công ty thì tuyến A ít kẹt xe nhất và bạn đã thử nghiệm khá nhiều lần. Dần dần bạn tự động lái xe đi làm trên tuyến A mà bạn hoàn toàn không có một nhận thức gì về việc đó. Nó giống như cách chúng ta dạy cho robots có trí tuệ nhân tạo bằng cách phân tích những dữ liệu thông tin lớn và tìm ra những nguyên tắc chung rồi đưa vào bộ nhớ để xử lý những trường hợp tương tự sau này. Đa số các điểm mù dựa vào những giả định tích lũy từ kinh nghiệm và trải nghiệm trong quá khứ. Thí dụ: Bạn tìm thấy nguyên tắc gì trong dãy số này: 1, 3, 5 Trong các dãy số sau thì (các) dãy số nào thuộc trong nhóm ấy: a) 5, 7, 9 b) 11, 13, 15 c) 4, 6, 8 d) 3, 8, 25 Đa số các bạn sẽ chọn a) và b) dựa theo giả định – dãy số lẻ liền kề. Một vài bạn có thể chọn a), b) và c) dựa theo giả định – dãy số liền kề cách nhau 2. Thế có ai bảo tất cả đều trong cùng một nhóm không? Nếu có thì nguyên tắc của nó là gì? Và làm sao bạn xác định nguyên tắc nào là đúng????? (lời giải ở cuối bài) Điều đáng nói đó là chỉ 5% của hoạt động não bộ (quyết định, suy nghĩ, cảm xúc, v.v.) con người là có ý thức trong khi đó 95% hoạt động não bộ còn lại là vô thức. Đây là kết quả sau nhiều nghiên cứu khoa học. Nói một cách khác con người 95% hoạt động một cách vô thức, tự lái và chỉ 5% có nhận thức! Do đó tất cả chúng ta ai cũng có góc mù, lớn hay nhỏ tùy vào nhận thức của từng người. Những điểm mù này có thể phân loại như sau để bạn dễ nhận dạng. 1) Mù kiến thức: Con người thường đánh giá quá cao vào kiến thức và khả năng của mình (Dunning-Kruger effect). Kiến thức hay khả năng càng cao thì điểm mù này càng lớn. Nói một cách khác càng thành công thì nghĩ rằng ‘mình biết hết’ hay ‘làm được hết’. Nguy cơ có thể xảy ra khi người ấy đem kiến thức và kinh nghiệm ở một khía cạnh này dùng vào khía cạnh khác. 2) Mù tin tưởng: Con người thường ‘nghe những gì muốn nghe, thấy những gì muốn thấy, và hiểu những gì muốn hiểu’. Nói một cách khác não bộ chúng ta chọn lọc thông tin để xác minh những gì ta muốn thấy, nghe, và tin tưởng. Những thông tin đối chọi hay không phù hợp với suy nghĩ hay tin tưởng của chúng ta sẽ bị loại bỏ. Do đó sự thật đối với một người có thể khác với sự thật đối với người khác cho dù cùng một sự kiện. Nếu cha mẹ trong đầu nghĩ rằng đứa con cứng đầu khó dạy thì thường nhìn thấy các vấn đề ương ngạnh của con mà không thấy những khía cạnh ngoan của trẻ. 3) Mù cảm xúc: Cảm xúc làm mờ đi nhận thức của bạn. Tuy chưa tiếp xúc trực tiếp nhưng qua cái cách của người sếp mới bạn không thích người ấy. Thế là bạn sẽ tập trung đi tìm thông tin minh chứng cho cảm xúc của bạn là đúng và từ đó mất đi cơ hội hiểu người ấy ở những góc độ khác và chắc chắn bạn sẽ không học được gì từ người sếp mới! Cũng như khi bạn đem bạn trai về giới thiệu với cha mẹ nhưng khi thấy cái hình xâm trên tay cậu ta là cha mẹ đã không ưa rồi và từ đó không thèm bỏ thời gian tìm hiểu hay muốn biết về cậu ấy. Chính vì điểm mù cảm xúc này mà chúng ta thường chọn bạn có tính cách và tư duy giống chúng ta. Nhưng nếu chọn người cộng sự thì điều này sẽ đem lại nhiều nguy cơ cho tổ chức. 4) Mù suy nghĩ: Suy nghĩ của bạn không có vấn đề gì cả! Vấn đề chỉ xảy ra khi bạn đánh giá hay nhìn nhận vấn đề từ suy nghĩ của mình. Tâm lý chúng ta đều cho rằng suy nghĩ của mình là đúng và do đó khi ai đó nêu lên ý kiến trái chiều thì chúng ta thường tìm cách biện hộ cho suy nghĩ của mình và tìm cách chứng minh suy nghĩ kia là sai. Chính điều ấy làm mờ đi khả năng suy nghĩ đa chiều. Làm sao thu nhỏ góc mù tư duy và hạn chế các hệ lụy? 1. Trước hết nhận thức rằng bản thân mình có điểm mù tư duy do 95% thời gian não bộ của mình hoạt động một cách vô thức. Hãy tập lấy một hoạt động trong vô thức như là hơi thở của bạn và thỉnh thoảng làm nó trở thành hoạt động ý thức. Để ý hơi thở của bạn: hít vào – thở ra – hít vào – thở ra. 2. Tập bỏ dần quan niệm đúng – sai, thành công – thất bại, phải – quấy, tốt – xấu. Đó chính là những sàn lọc hình thành các điểm mù tư duy. Nhiều nơi ở Trung Đông có quan niệm đàn bà không nên lái xe hơi và bạn biết đấy quan niệm ấy ở xã hội Việt Nam là không đúng. Và ở Việt Nam quan niệm dạy con ‘Thương cho roi cho vọt’ thì lại là phạm pháp ở 65 nước trên thế giới trong đó có nước Mỹ. 3. Tập kiểm soát cái ‘Tôi’ và hỏi bạn bè/đồng nghiệp phản hồi hay nhận xét về mình. Nếu bạn chiêm nghiệm trong cuộc sống của mình thì sẽ thấy đa phần các hối tiếc đều từ cái ‘Tôi’ của mình gây ra. Do đó nếu bạn kiểm soát được cái ‘Tôi’ bạn kiểm soát được cảm xúc của mình. Khi ấy bạn dễ dàng nhận được phản hồi hay nhận xét tích cực giúp bạn nhìn thấy điểm mù của mình. Xã hội ngày nay trí tuệ cảm xúc ngày càng quan trọng. Trích Trương Nguyện Thành (3-9-2019)